Mách bạn kỹ thuật trồng hoa đào trong chậu hiệu quả 100%

Nếu hoa mai là biểu tượng cho mùa xuân ở khu vực miền Nam thì đối với người dân miền Bắc đào là một tín ngưỡng không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền. Đào không chỉ mang tín hiệu mùa xuân về mà còn tượng trưng cho sự bình an may mắn, xua đuổi quỷ dữ và những mong muốn của con người khi bước sang năm mới. Và để có một cây đào thế đẹp, nhiều hoa mang đến nhiều tài lộc thì phải chăm sóc như thế nào, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết kỹ thuật trồng hoa đào trong chậu sau đây.

Kỹ thuật trồng hoa đào trong chậu

Cả năm mới có một ngày lễ Tết cổ truyền nên mọi người đều chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng. Và nếu có thể tự tay trồng một cây đào để đón Tết thì còn gì ý nghĩa hơn nữa. Bạn có thể mua giống tại các vườn đào hoặc cũng có thể tận dụng cây đào chơi năm trước và chăm sóc để dùng cho năm sau.

kỹ thuật trồng hoa đào trong chậu

Thời điểm thích hợp nhất để bắt đầu ươm và trồng cây là ngay sau dịp Tết, không nên để quá lâu, chậm nhất là rằm tháng Giêng.

Khi trồng trong chậu thì nên sử dụng chậu lớn và khoét lỗ dưới đáy để xử lý thoát nước. Loại đất sử dụng là đất thịt pha đất sét có độ pH đạt từ 7 đến 8, trước khi trồng phải bón lót bằng phân hữu cơ vi sinh hoặc phân hữu cơ hoai mục.

Đào một hố giữa lòng chậu rồi đặt cả bầu cây vào, lấp đất ngang cổ rễ rồi lèn xung quanh, ấn nhẹ sao cho chắc chắn. Tưới đẫm nước, những ngày sau chỉ cần tưới vừa đủ độ ẩm, không nên tưới nhiều cho đến khi cây ra lá non.

Kỹ thuật chăm sóc hoa đào trong chậu 

Bên cạnh kỹ thuật trồng hoa đào trong chậu thì chúng ta cũng cần hết sức lưu ý đến kỹ thuật chăm sóc cây sau khi trồng.

Sau khi trồng nên cắt tỉa một số cành già khô và tạo dáng cho phù hợp. Cứ mỗi tháng lại tỉa một chút và chỉ cần để lại cành dài khoảng 15 đến 20cm, đến khoảng tháng 7 âm lịch thì dừng.

Sau mỗi lần cắt tỉa thì bạn cần bón phân hữu cơ cho cây để cung cấp dinh dưỡng cho các cành được giữ lại phát triển. Thực hiện liên tục cho các tháng và đến tháng 8, 9 cần gia tăng tưới bón để thúc đẩy sự phát triển của bông được to và nhiều.

Cây đào rất ưa loại phân bắc đã được ngâm ngấu hoặc ủ kỹ, phân đạm ure, nước tiểu, tuy nhiên cũng không nên bón quá nhiều đạm.

Theo kinh nghiệm chăm sóc truyền thống của dân gian ta thì vào khoảng giữa tháng 8 âm lịch sẽ có một công đoạn được gọi là thiến đào. Ở các gốc cành chính, dưới chỗ thân chính hoặc phân cành sẽ dùng dao sắc nhọn để cắt sâu một khoanh tròn khép kín. 

kỹ thuật trồng hoa đào trong chậu

1 tuần sau sẽ thấy lá đào chuyển dần từ màu xanh đậm sang màu vàng nhạt và rủ xuống. Nếu thấy lá vẫn còn xanh hoặc chưa rủ thì cần khoanh thêm một đường khác cạnh đường cũ và cần cắt sâu hơn. Khi lá chuyển vàng và hơi rủ là đã đạt yêu cầu.

Từ tháng 10 âm lịch trở đi, người trồng chú ý nên hạn chế và giảm bớt các loại phân bón đặc biệt là phân có hàm lượng đạm cao. Đến khoảng giữa tháng 11 âm lịch sẽ dừng hoàn toàn việc bón phân vào gốc và cũng giảm lượng nước tưới hàng ngày để chuẩn bị tuốt lá.

Thời gian thực hiện công đoạn tuốt lá thường là từ mùng 5-10 âm lịch đối với giống đào bích và từ mùng 10-15 âm lịch đối với giống đào phai. Tùy vào độ xanh tốt của thế cây và thời tiết ấm hay lạnh của từng năm thời điểm này sẽ có sự dịch chuyển. 

Nếu năm thời tiết lạnh và thế cây xanh tốt thì nên tuốt lá sớm, còn năm thời tiết ấm và thế cây trung bình thì cần lùi thời gian tuốt lại. Khi thực hiện tuốt lá thì cần chú ý bảo vệ mắt hoa ẩn ở dưới nách lá, cần bứt từng lá chứ không phải cầm cành tuốt thẳng sẽ dễ làm tổn thương đến mầm non.

Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết cần phải chú ý kỹ, nếu thời tiết lạnh bông sẽ nở chậm còn thời tiết ấm bông sẽ nở sớm hơn. Chính vì vậy để cây có thể ra hoa đúng dịp Tết, khoảng tháng 12 âm lịch, nếu các nụ hoa chưa nhú thì đồng nghĩa với việc hoa sẽ nở chậm. 

Giải pháp là tưới nước ấm khoảng 35 đến 40 độ C kết hợp tưới phân đạm loãng. Nếu trời rét quá thì dùng túi nilon bọc kín và thắp bóng 75 đến 100W phía trong để sưởi ấm.

Còn nếu cuối tháng 11 đã thấy nụ hoa nhú to thì rất có thể hoa sẽ nở sớm cần che chắn kỹ để hãm ánh nắng và tạo bóng tối trong 10 đến 15 ngày. Thời điểm này cần hết sức chú ý theo dõi cây và cả thời tiết bởi hãm hay thúc cây đều sẽ ảnh hưởng tới chất lượng ra hoa, nên chỉ thực hiện khi cần thiết.

Ngoài ra đào cũng dễ mắc sâu bệnh nên cần quan sát nếu lá bị rụng hay đốm lá, lở cổ rễ, rệp thì cần có biện pháp phòng ngừa kịp thời.

Kết luận

Dù hiện nay nhiều người có xu hướng chuyển sang chơi rất nhiều loại cây cảnh khác nhưng đào vẫn là một phong tục không thể thiếu đối với người Việt Nam. Nếu có thể tự mình trồng và chăm sóc cây đào trong cả một năm phát triển thì chắc chắn dịp Tết cổ truyền sẽ thêm phần ý nghĩa hơn rất nhiều. Hy vọng với bài viết kỹ thuật trồng hoa đào trong chậu trên đây sẽ giúp bà con có được một cây đào ưng ý đón Tết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *